Hợp tác với các thương hiệu thời trang quốc tế để giảm thiểu tác động môi trường

 

Trong khuôn khổ Sáng kiến Đoàn kết Toàn cầu (IGS) do chính phủ Đức hỗ trợ, GIZ hợp tác với 14 thương hiệu thời trang đa quốc gia và 626 nhà sản xuất tại Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động môi trường.

Trong 5 tháng qua, GIZ và các đối tác đã thực hiện một chương trình mang tên “Về đích Higg FEM”, gồm các khóa đào tạo trực tuyến về quản lý môi trường cho các nhà sản xuất dệt may và giày dép đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng Mô-đun môi trường cơ sở Higg (Higg FEM) - một công cụ đánh giá tính bền vững nhằm tiêu chuẩn hóa cách các cơ sở sản xuất có thể đo lường và đánh giá hiệu quả môi trường hàng năm. Công cụ này cung cấp một bức tranh rõ ràng về tác động môi trường mà nhà sản xuất và các cơ sở của họ đang gây ra đối với môi trường. Higg FEM giúp các nhà sản xuất, thương hiệu và nhà bán lẻ xác định và ưu tiên các cơ hội cải thiện hiệu suất.

“Học để hành” là phương châm của cộng đồng Về đích: các Bài học Kinh nghiệm chia sẻ trong chương trình được tuyển lựa từ những nhà máy có thành tích xuất sắc và do cán bộ chuyên môn từ nhãn hàng cũng như nhà máy cùng chuẩn bị. Phần “Góc nhìn Chuyên gia Công nghiệp” được cung cấp bởi chuyên gia từ các nhãn hàng như VF Corporation, Amer Sport, Maxport, v..v, cũng như đội ngũ tư vấn từ Enerteam, Act Renewable, WWF và GIZ.  

“Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà máy tiếp cận được chương trình để có được những kiến thức nền tảng vững chắc cho việc áp dụng bộ công cụ này (Higg FEM) trong hoạt động quản lý môi trường, quản lý năng lượng, quản lý hóa chất một cách hiệu quả. Qua chương trình, nhà máy có thể xây dựng cho mình một chương trình tổng thể và kế hoạch hành động để trở thành nhà máy xanh hơn trong trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vì một Việt Nam xanh hơn.” (Cán bộ HSE, Công ty Santa Clara, Nam Định)

Về Đích cũng đồng thời góp phần hoàn thiện nội dung lý thuyết của các giảng viên. Ông Vũ Long Biên – Giảng viên chính của chương trình – chia sẻ: “Từ lúc bản FEM 4.0 mới ra mắt, chúng tôi đã đọc tất cả các hướng dẫn và có thể hiểu được trên cơ sở lý thuyết vì viết chung cho toàn cầu. Nhưng đến khi giảng dạy và các bạn đặt câu hỏi, đưa ra những tình huống thực tế của nhà máy, nhóm giảng viên và cán bộ kỹ thuật của nhãn hàng đã học được rất nhiều về thực trạng áp dụng tại các nhà máy thời trang ở Việt Nam. Đây thực sự là một trải nghiệm cùng học hỏi để phát triển giữa các bên: nhãn hàng, các bên thứ ba, chuyên gia tư vấn, cũng như các nhà máy trong cộng đồng Về Đích.”

Sức lan tỏa của chương trình đã đóng góp vào việc cải thiện hình ảnh xanh và đi cùng với đó là sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu - Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ. Không chỉ dừng ở đó, GIZ cũng đang hỗ trợ các nhãn hàng nhân rộng mô hình tập huấn trên chuỗi cung ứng toàn cầu với nội dung và cách thức tổ chức đã được phát triển hoàn thiện và chứng minh tính hiệu quả. Mối quan hệ hợp tác với 14 nhãn hàng cũng như các nhà máy thực hành xuất sắc có vai trò thiết yếu không chỉ đối với việc triển khai chương trình với quy mô tầm cỡ và tính thực tế cao như thế này, mà còn với việc phát triển Về Đích trong tương lai.

“Về Đích 2023 đã cho thấy những lợi ích của việc hợp tác và rằng cùng nhau, chúng ta có thể đi xa hơn rất nhiều so với khi đi một mình.” (Saskia Anders, Quản lý Dự án FABRIC/IGS).