Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Ngày 4 tháng 8 năm 2023 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với GIZ tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và đại sứ quán, các chuyên gia về KTTH. Hội thảo tập trung vào những nội dung đề xuất về lĩnh vực và chính sách trong cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH.
Dự thảo nghị định quy định cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các dự án thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam bằng cách thiết lập các ưu đãi thông qua một loạt chính sách, bao gồm: Khu công nghiệp, khu kinh tế; Phân loại xanh; Tư vấn công nghệ và chuyển giao công nghệ; Tín dụng xanh, trái phiếu xanh; Phát triển nguồn nhân lực; Đất; Khu công nghiệp, khu kinh tế. Dự thảo cũng đề xuất các lĩnh vực sau: Nông, lâm nghiệp, và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng và Vật liệu xây dựng.
Chuyên gia GIZ, bà Mira Nagy đã chia sẻ kinh nghiệm của Đức về mô hình kinh tế tuần hoàn, chỉ rõ KTTH mang lại tiềm năng to lớn cho việc bảo vệ khí hậu và môi trường, an ninh tài nguyên cũng như sự thịnh vượng của xã hội. Bà Nagy nhận định: “Các ngành được lựa chọn đưa vào cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cũng nổi lên là những ngành quan trọng khi phát triển KTTH của Đức, như xây dựng, phương tiện đi lại và pin, thiết bị điện tử và thực phẩm. Cơ chế thử nghiệm còn được gắn với một số biện pháp được đề xuất khác như cơ chế tài chính cho KTTH, ưu đãi cho doanh nghiệp, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, cũng như củng cố chuỗi giá trị ở địa phương. Ngoài ra, cách tiếp cận mô hình hóa có thể cung cấp thông tin cho nghiên cứu để phát triển KTTH tại Việt Nam.”
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bộ tiêu chí lựa chọn các dự án và doanh nghiệp KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế có liên quan. Các đại biểu cũng thảo luận đưa các cụm công nghiệp nơi phần lớn các doanh nghiệp tái chế ở Việt Nam được đăng ký vào cơ chế thử nghiệm, xem xét các mô hình KDTH tập trung vào ngăn ngừa chất thải. Ví dụ, mô hình kinh doanh sản phẩm như một dịch vụ hoặc phát triển các vật liệu thay thế. Các chuyên gia cũng lưu ý cần quan tâm hơn nữa đến những tiềm năng kinh tế - xã hội của cơ chế thử nghiệm, và những tác động ngoài dự kiến của việc thúc đẩy các công nghệ mới.
Trên cơ sở kết quả của hội thảo tham vấn này, CIEM sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các hội thảo tham vấn tiếp theo sẽ được tổ chức trong năm nay, để lấy ý kiến trước khi dự thảo được Bộ KHĐT trình lên Chính phủ.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án Hướng tới sự tuần hoàn "Go Circular” do GIZ, đại diện Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức, thực hiện. Go Circular hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu cũng như tại 3 nước đối tác gồm Việt Nam, Columbia và Ghana. Dự án hỗ trợ các bên liên quan xây dựng các giải pháp tuần hoàn mang tính sáng tạo trong chuỗi giá trị, tăng cường cơ chế nhân rộng các cách làm được thử nghiệm, và hành động toàn cầu thông qua các liên minh. Các biện pháp ưu tiên triển khai tại Việt Nam gồm thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuần hoàn mang tính sáng tạo và tư vấn thực hiện các chiến lược quốc gia về kinh tế tuần hoàn.