Giảm phát thải trong sản xuất thời trang thông qua tăng hiệu suất năng lượng
Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, cần có nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó có khu vực tư nhân. Đối với ngành thời trang, việc các nhãn hàng cùng hợp tác các nhà máy sản xuất trong chuỗi cung ứng nhằm đẩy lùi phát thải khí nhà kính đang ngày càng trở nên ý nghĩa.
Để hỗ trợ cho nỗ lực này, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và các công ty tham gia Ban hành động khí hậu trong ngành công nghiệp thời trang của Liên hợp quốc về đã phát triển Chương trình đào tạo về hành động khí hậu cho ngành thời trang (CAT) vào năm 2020. CAT được xây dựng trên nền trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức nền tảng về kiểm kê và thiết lập mục tiêu khí nhà kính trong các doanh nghiệp dệt may. Trong giai đoạn 2022-2023, CAT được nâng cấp thành khóa đào tạo chuyên sâu tập trung vào việc triển khai các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả để tăng cường giảm khí nhà kính trong chuỗi cung ứng thời trang.
Với sự giới thiệu và kết nối của 5 thương hiệu thời trang nổi tiếng Lululemon, Fast Retailing, On-running, H&M, Fenix Outdoor, 35 doanh nghiệp dệt may trong nước, đồng thời là các nhà cung cấp của các nhãn hàng nói trên, đã tham gia cải thiện kiến thức và kỹ năng sau 9 tháng tham gia khóa đào tạo trực tuyến về sử dụng năng lượng hiệu quả, kiểm kê và thiết lập mục tiêu khí nhà kính. Các doanh nghiệp đã cũng đã được đội ngũ chuyên gia góp ý trực tiếp cho bản kế hoạch hành động khí hậu của doanh nghiệp để tiến tới triển khai trong thực tiễn.
“Sau khóa học, cán bộ của chúng tôi đã hiểu sâu hơn về hệ thống năng lượng. Giờ đây, họ đã biết cách xác định nguồn phát thải khí nhà kính và sử dụng các hệ số tính toán, xác định các nguồn năng lượng thất thoát và xây dựng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Kinh nghiệm thực tiễn từ kiểm toán năng lượng tại nhà máy Maxport 9 sẽ được chia sẻ trong toàn công ty và có thể áp dụng cho các nhà máy khác của Maxport. Chúng tôi mong muốn GIZ sẽ tiếp tục xây dựng các khóa học tương tự cho các nhà máy với các chủ đề rộng hơn về môi trường, xử lý chất thải,” - Ông Hoàng Việt Hồng, Phó Giám đốc nhà máy Maxport 9 của Maxport Limited Việt Nam nhận định tại hội thảo tổng kết khóa học.
Chương trình đào tạo này là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Liên kết Toàn cầu (IGS), một dự án hỗ trợ khối tư nhân đẩy mạnh thực thi trách nhiệm tra soát về xã hội và môi trường. IGS được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, theo sự ủy thác từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ).