Tài chính cho kinh tế tuần hoàn – Góc nhìn cho những chủ thể tham gia tại Việt Nam
Cách thức nào có thể huy động nguồn vốn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam? Cách thức nào để các công cụ tài chính khác nhau từ đầu tư mạo hiểm đến vay tín dụng và trái phiếu có thể sử dụng hiệu quả hơn? Cách thức nào giúp giảm rủi ro tài chính thông qua hoạt động cho thuê, bảo lãnh hoặc đối tác công tư? Rào cản cũng như điểm đầu vào đối với đầu tư vào kinh tế tuần hoàn trong một số ngành cụ thể như dệt may hay tại các khu công nghiệp là gì?
Để góp phần giải đáp những câu hỏi này, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tài chính cho kinh tế tuần hoàn – Góc nhìn cho những chủ thể tham gia tại Việt Nam” ngày 28/03/2023 tại Hà Nội.
Hội thảo cũng giới thiệu báo cáo “Tài chính cho kinh tế tuần hoàn: Góc nhìn cho những chủ thể tham gia” (Financing Circular Economy – Insights for Practitioners) và nghiên cứu cơ bản chi tiết hơn về “Tài chính cho kinh tế tuần hoàn tại các nước thu nhập thấp và trung bình” (‘Finance for circular economy in low- and middle-income countries‘). Báo cáo nghiên cứu do Trường Tài chính và Quản lý Frankfurt và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện, nêu ra một số hướng dẫn về cách thức hợp tác phát triển có thể góp phần khắc phục sự thiếu hụt tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nghiên cứu chú trọng vào năm quốc gia: Albania, Colombia, Cộng hòa Dominica, Rwanda và Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn đang được thúc đẩy triển khai trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam. Một nền kinh tế tuần hoàn hứa hẹn giúp tiết kiệm năng lượng và ngăn chặn rác thải đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Những giải pháp đầu tiên đã được thử nghiệm nhưng để nhân rộng thì tài chính là một trở ngại chính cần phải giải quyết sớm và căn bản. Ở lĩnh vực này, Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/06/2023 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) lên kế hoạch huy động nguồn lực cho các dự án đầu tư vào kinh tế tuần hoàn và các dịch vụ phụ trợ cũng như xây dựng các tiêu chí cho kinh tế tuần hoàn.
Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn và các dự án đầu tư giữa tất cả các bên liên quan. Năng lực trong lĩnh vực tài chính để sàng lọc và lựa chọn các cơ hội đầu tư vào kinh tế tuần hoàn cũng cần được tăng cường thông qua đào tạo và tài liệu hướng dẫn. Những nỗ lực này cần phù hợp với bộ tiêu chí phân loại tài chính xanh đang được xây dựng và triển khai trong tương lai. Ngoài ra, các mô hình kinh doanh khả thi cần được xây dựng và nghiên cứu chi tiết hơn để đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm thu hút được các khoản đầu tư xứng đáng.
Trong khung khổ của Hội thảo, đại diện của các ngân hàng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã tham gia tọa đàm nhằm chia sẻ góc nhìn và thảo luận nhu cầu và biện pháp ưu tiên có thể áp dụng tại Việt Nam.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án Hướng tới sự tuần hoàn "Go Cirular” do GIZ, đại diện Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức, thực hiện. Go Circular hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu cũng như tại 3 nước đối tác gồm Việt Nam, Columbia và Ghana. Dự án hỗ trợ các bên liên quan xây dựng các giải pháp tuần hoàn mang tính sáng tạo trong chuỗi giá trị, tăng cường cơ chế nhân rộng các cách làm được thử nghiệm, và hành động toàn cầu thông qua các liên minh. Các biện pháp ưu tiên triển khai tại Việt Nam gồm thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuần hoàn mang tính sáng tạo và tư vấn thực hiện các chiến lược quốc gia về kinh tế tuần hoàn.